Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt virus thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, bệnh này xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Đặc điểm là sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có những triệu chứng sau:
- Thể nhẹ: người bệnh có triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột 39 – 400C kéo dài 2 – 7 ngày khó hạ sốt;
- Toàn thân mệt mỏi, đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau phía sau mắt;
- Có thể nổi mẩn, phát ban.
- Thể nặng: Bao gồm những triệu chứng trên, kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi ngoài phân đen;
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách:
– Thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước
– Thả cá để diệt lăng quăng/bọ gậy
– Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa
– Thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh,…
– Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên
– Lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng
- Để diệt muỗi và phòng muỗi đốt:
– Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày
– Mặc quần áo dài tay
– Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…
– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch
- Khi bị sốt:
– Đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điệu trị
– Không tự ý điều trị tại nhà.
Biên soạn: PK Nhiệt đới & Phòng CTXH – BVĐHYTB
- Thông báo mời chào giá gói thầu holter huyết áp
- CÔNG TY TNHH MITSUBISHI CORPORATION VIỆT NAM TRAO QUÀ CHO BỆNH NHI TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y THÁI BÌNH
- Phụ lục 2 Phiếu đánh giá chất lượng bệnh viện
- KHÁM SÀNG LỌC BỆNH TIM MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y THÁI BÌNH
- Thông báo về việc mời chào giá gói thầu mua giường Inox 201, xe tiêm Inox 2 tầng, đèn đọc phim, bộ huyết áp