PHẪU THUẬT CẮT BỎ TUYẾN NƯỚC BỌT VIÊM DO SỎI TRONG TUYẾN TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y THÁI BÌNH

        Sỏi tuyến nước bọt dưới hàm là bệnh thường gặp ở người trưởng thành do tình trạng viêm nhiễm tuyến nhiều lần gây xơ hoá tuyến ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ toàn thân của người bệnh.

  1. Bệnh sinh và bệnh căn

         Có một số quan điểm hình thành sỏi tuyến như sau:

– Sự thay đổi thành phần và hoạt tính lý hóa của nước bọt dẫn đến sự lắng đọng các muối vô cơ hình thành sỏi tuyến.

– Chức năng nhu động của ống tuyến giảm ở những vị trí gấp khúc tạo sự ứ đọng nước bọt và muối vô cơ, dần dần hình thành sỏi tuyến nước bọt.

– Hình thành sỏi tuyến nước bọt liên quan đến quá trình viêm nhiễm trước đó của tuyến nước bọt.

– Thành phần hoá học của sỏi tuyến gồm chủ yếu là chất vô cơ phosphatcanxi (80%), cacbonatcanxi (10%), vết của các chất Natri, Magie, Kali, Sắt… các chất hữu cơ có thể gặp: tế bào biểu mô, xác vi khuẩn, nấm, chất nhầy.

– Sỏi có thể nằm ở ống tuyến hay nhu mô tuyến, sỏi ống tuyến thường có hình ôvan hoặc tròn nhẵn, sỏi nhu mô tuyến có hình thù đa dạng và xù xì. Có một số trường hợp sỏi vô cơ không cản quang.

  1. Triệu chứng

        Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào vị trí của viên sỏi. Nếu sỏi ở trong ống tuyến biểu hiện lâm sàng rõ hơn ở trong nhu mô tuyến.

  • Đau kèm theo bỏng rát vùng dưới hàm, đau tăng khi ăn uống (trong bữa ăn) và giảm dần sau khi ăn.
  • Rối loạn tiết nước bọt và ứ trệ nước bọt: Tuyến nước bọt sưng to rõ trong khi ăn (hoặc dùng chất kích thích tăng tiết) do tuyến tăng tiết và ứ trệ nước bọt. Khi nước bọt thoát ra được và khối lượng tuyến giảm dần, có khi trở lại hoàn toàn bình thường.
  • Sờ vùng dưới hàm thấy tuyến dưới hàm sưng to kèm theo đau. Đến giai đoạn tuyến xơ hoá thì đau liên tục, mật độ cứng chắc và không phục hồi trở lại bình thường. Sờ vùng sàn miệng ở vị trí ống tuyến có thể thấy viên sỏi. Lỗ Wharton bên tuyến bị viêm nề đỏ, vuốt dọc ống tuyến có dịch mủ.

– X quang, siêu âm: thấy hình ảnh sỏi tuyến

(Hình ảnh lâm sàng của tuyến nước bọt viêm xơ do sỏi)

(Hình ảnh sỏi tuyến trên CT cone beam)

  1. Điều trị

        Điều trị sỏi tuyến nước bọt có nhiều phương pháp khác nhau. Với trường hợp sỏi gây viêm xơ tuyến nước bọt cần phẫu thuật sớm, cắt bỏ tuyến và lấy sỏi để hạn chế gây biến chứng cho người bệnh.

        Tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, với đội ngũ tiến sỹ, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm là giảng viên của Bộ môn Răng Hàm Mặt – Trường Đại học Y Dược Thái Bình, phòng mổ hiện đại, kỹ thuật mổ sỏi tuyến và cắt tuyến nước bọt dưới hàm được thực hiện thường quy sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Với quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng, thuận tiện, có chế độ hưởng BHYT, nhân viên y tế chăm sóc tận tình sẽ đem lại cho người bệnh một trải nghiệp bình an.

(Hình ảnh ca phẫu thuật mổ lấy sỏi + cắt tuyến nước bọt dưới hàm tại BVĐHYTB  được thực hiện bởi TS.BSCKII Vũ Anh Dũng, BSCKII Nguyễn Tri Quyết và cộng sự)

Bài viết thực hiện bởi: TS.BSCKII. Vũ Anh Dũng

(Trưởng khoa Răng Hàm Mặt – BVĐHYTB)

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *