Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Cúm mùa là bệnh thường có tiến triển lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch… nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Dấu hiệu cảm cúm ở trẻ:
– Sốt
– Nhức đầu và đau cơ
– Mệt mỏi, biếng ăn
– Ho và đau họng cũng có thể xuất hiện
– Buồn nôn hoặc nôn
– Có thể có tiêu chảy
Vậy, bố mẹ sẽ chăm sóc trẻ bị cúm như sau:
– Theo dõi nhiệt độ của trẻ: Khi trẻ bị cảm cúm, bố mẹ nên theo dõi chặt chẽ các biểu hiện, đặc biệt là thân nhiệt của trẻ. Điều này sẽ giúp bố mẹ sớm phát hiện để đưa trẻ đến bệnh viện nếu đã dùng các biện pháp hạ sốt tại nhà mà trẻ chưa đỡ.
– Uống đủ nước để không bị mất nước.
– Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đủ chất.
Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng của cúm có thể xảy ra, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau đây:
-Trẻ quấy khóc nhiều, li bì.
-Sốt kèm phát ban.
-Trẻ không chảy nước mắt khi khóc (ở trẻ sơ sinh)
-Trẻ cảm thấy hụt hơi, khó thở
-Trẻ cảm thấy tức ngực hoặc bụng
-Trẻ có dấu hiệu da xanh hoặc tím tái.
Cách phòng ngừa cúm cho trẻ:
Tiêm vaccine cúm là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ bị nhiễm cúm. Vì virus cúm thay đổi từ năm này sang năm khác, nên theo các bác sĩ trẻ cần tiêm vaccine cúm hàng năm, trước mỗi mùa cúm. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, như rửa tay và che miệng khi ho có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của cúm.
Phòng CTXH