TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỂU MẪU DÀNH CHO ĐIỀU DƯỠNG QUY ĐỊNH TẠI THÔNG TƯ SỐ 32/2023/TT-BYT

        Thực hiện Kế hoạch số 329/BVĐHYTB-ĐD của Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, trong hai ngày 19 và 20/6/2024 Bệnh viện tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện một số biểu mẫu dành cho Điều dưỡng quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho toàn bộ Điều dưỡng viên, Kỹ thuật viên, Hộ sinh viên đang làm việc tại Bệnh viện. Lớp tập huấn do ThS. Lê Thúy Nhàn – Trưởng phòng Điều dưỡng và TS. Phạm Thị Nga – Phụ trách Bộ môn Điều dưỡng cơ bản & Quản lý điều dưỡng, Khoa Điều dưỡng Trường Đại học Y Dược Thái Bình trực tiếp giảng dạy.

(TS Đỗ Quốc Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc và chỉ đạo lớp tập huấn)

        Đại diện lãnh đạo Bệnh viện phát biểu khai mạc và chỉ đạo lớp tập huấn, TS Đỗ Quốc Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định tầm quan trọng, tính cấp thiết của nội dung Tập huấn trong công tác chuyên môn và triển khai các quy định mới của Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu các phòng chức năng tiếp tục tham mưu tổ chức các lớp Tập huấn với nội dung sát với thực tế hoạt động của Bệnh viện.

(ThS. Lê Thúy Nhàn – Trưởng phòng Điều dưỡng phổ biến những điểm mới của các biểu mẫu dành cho điều dưỡng quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT và hướng cách ghi chép các biểu mẫu)

        Tại lớp tập huấn các giảng viên đã phổ biến những điểm mới của các biểu mẫu dành cho điều dưỡng, cách ghi chép các biểu mẫu theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT như: Phiếu theo dõi và chăm sóc cấp 1; Phiếu theo dõi và chăm sóc cấp 2 – 3; Phiếu nhận định ban đầu vào viện tại khoa nội trú; Phiếu bàn giao người bệnh của điều dưỡng… và những quy định về cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt là nội dung cập nhật kiến thức về thực hành dựa vào bằng chứng, hướng dẫn áp dụng một số thang điểm trong nhận định người bệnh và phân loại người bệnh theo cấp độ chăm sóc như: Thang điểm đo mức độ đau (VAS); Thang điểm đánh giá nguy cơ té ngã (Morse); Thang điểm đánh giá nguy cơ loét do tỳ đè (Braden); Thang điểm đánh giá nuốt khó (GUSS); Thang điểm đánh giá tinh thần, tổn thương não (Glasgow, NIHSS); Thang điểm đánh giá mức độ viêm tĩnh mạch (VIP Score); Thang điểm đánh giá chỉ số khối cơ thể (BMI); Thang điểm cảnh báo sớm NEWS2.

(TS. Phạm Thị Nga hướng dẫn học viên áp dụng một số thang điểm trong nhận định người bệnh và phân loại người bệnh theo cấp độ chăm sóc)

        Dưới sự hướng dẫn, truyền đạt tích cực, nhiệt huyết của giảng viên, tất cả học viên đều tham gia với tinh thần sôi nổi, nghiêm túc. Các học viên đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng và làm bài kiểm tra lượng giá chất lượng trước, sau tập huấn.

(Học viên làm bài kiểm tra lượng giá chất lượng trước, sau tập huấn)

        Những nội dung đổi mới tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT và các thang điểm đánh giá là cơ sở pháp lý, công cụ định lượng chính xác giúp Điều dưỡng viên tự tin, chủ động hơn trong thực hiện chức năng độc lập khi chăm sóc người bệnh. Với việc kịp thời cập nhật các quy định mới đã tạo điều kiện cho Điều dưỡng viên, Kỹ thuật viên, Hộ sinh viên nắm vững và thực hiện đầy đủ chức năng, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo chăm sóc, điều trị cho người bệnh hiệu quả, chất lượng.

Phòng ĐD & Phòng CTXH

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *