PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU CHẤN THƯƠNG TẠI KHOA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG – BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y THÁI BÌNH

        Phục hồi chức năng sau chấn thương đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục khả năng vận động và sinh hoạt bình thường.

Phục hồi chức năng sau chấn thương là gì?

        Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Phục hồi chức năng là các biện pháp y họckinh tếxã hội, giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi nhằm làm giảm tác động của giảm chức năng và khuyết tật, đảm bảo cho người khuyết tật hội nhập xã hội, có những cơ hội bình đẳng và tham gia đầy đủ các hoạt động của xã hội.

        Phục hồi chức năng sau chấn thương là quá trình can thiệp và tập luyện nhằm giảm thiểu thiệt hại của chấn thương, thúc đẩy phục hồi và tối đa hóa năng lực chức năng, thể lực và hiệu suất cho người bệnh sau chấn thương.

(Kéo giãn cột sống tại khoa PHCN – BVĐHYTB)

Những lợi ích của phục hồi chức năng sau chấn thương

– Duy trì, cải thiện hiệu quả cuộc phẫu thuật: Đối với những chấn thương cần phẫu thuật, phục hồi chức năng giúp duy trì và nâng cao hiệu quả của phẫu thuật.

– Rút ngắn thời gian điều trị, chi phí nằm viện: Phục hồi chức năng sau chấn thương giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng vận động, người bệnh có thể ra viện sớm giúp tiết kiệm nhiều chi phí nằm viện điều trị khác.

– Hạn chế tái phát: Những chấn thương nặng nếu không được phục hồi chức năng kịp thời và đúng cách rất dễ tái phát và trở nặng hơn.

– Phòng các thuơng tật thứ cấp: Thương tật thứ cấp là các khiếm khuyết xảy ra do chấn thương kéo dài, nằm im bất động trong thời gian dài hoặc không được chăm sóc đúng cách, có thể kể đến như: cứng khớp, teo cơ, loãng xương, viêm loét do tì đè…

 

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau chấn thương

– Tiến hành phục hồi chức năng sớm: Phục hồi chức năng sau chấn thương cần được tiến hành sớm ngay từ những giờ đầu sau phẫu thuật. Đối với người bệnh mổ có chuẩn bị, cần hướng dẫn người bệnh ngay từ giai đoạn trước mổ, trong thời gian chuẩn bị cho phẫu thuật, để sau mổ người bệnh có thể thực hiện được sớm các kỹ thuật phục hồi chức năng, đạt được hiệu quả điều trị cao.

– Cá thể hóa phương pháp điều trị: Mỗi người bệnh có các đặc điểm khác nhau về bệnh lý, đặc điểm nhân sinh, thể trạng, đặc điểm nghề nghiệp, môi trường khác nhau. Can thiệp toàn diện cần dựa trên khung bệnh án ICF (International Classification of Functioning, Disability and Health).

(Tập vận động cho người bệnh cứng khớp gối sau thay khớp gối nhân tạo tại khoa PHCN – BVĐHYTB)

Các hình thức can thiệp phục hồi chức năng

– Vận động trị liệu: Là các biện pháp can thiệp giúp người bệnh khôi phục chức năng vận động hệ cơ xương khớp thông qua các bài tập vận động, nắn chỉnh, thể dục và các kỹ thuật kết hợp máy móc chuyên dụng.

– Hoạt động trị liệu: Là các biện pháp nhằm hỗ trợ và giúp người bệnh phục hồi khả năng độc lập trong sinh hoạt, khả năng nhận thức, tìm được công việc thích hợp, tham gia tích cực vào các hoạt động học tập – làm việc – giải trí – thể thao, hòa nhập cộng đồng.

– Vật lý trị liệu: Là các biện pháp sử dụng tác nhân vật lý (siêu âm, sóng ngắn, điện xung, xung kích, hồng ngoại, parafin, kéo giãn,…) có tác dụng giảm đau, chống sưng, kích thích tái tạo cơ, thúc đẩy khả năng tự phục hồi và phòng ngừa thương tật thứ cấp dựa vào quá trình sinh hóa của cơ thể.

        Tại Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Đại học Y Thái Bình đã tiếp nhận rất nhiều người bệnh sau chấn thương đến điều trị phục hồi chức năng muộn và gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe trong đó phổ biến nhất là tình trạng teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động, sinh hoạt.

        Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng khuyến cáo quá trình tập phục hồi chức năng có thể bắt đầu từ rất sớm, ngay ngày đầu sau chấn thương hoặc ngày đầu sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ, càng để lâu thời gian điều trị càng kéo dài và hiệu quả càng thấp đi. Do đó, người bệnh nên được điều trị phục hồi chức năng sớm và lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

Khoa PHCN & Phòng CTXH

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *