CÚM A/H5 Ở NGƯỜI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ PHÒNG BỆNH

        Cúm A/H5 là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có diễn biến nguy hiểm ở người và động vật. Cúm A/H5 có mức độ nguy hiểm cao hơn so với những chủng cúm mùa thông thường. Người bệnh cúm A/H5 có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở những đối tượng nguy cơ cao.

       

        Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A họ Orthomyxoviridae. Vỏ của virus cúm A bản chất là Glycoprotein, bao gồm 2 loại kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 16 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H16 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1 – N9.

        Virus cúm có tỉ lệ đột biến cao và kháng nguyên bề mặt rất dễ biến đổi. Trong đó, kháng nguyên H và N là thay đổi rõ nhất, chỉ cần đột biến nhỏ đã dẫn tới sự biến đổi kháng nguyên, tạo ra biến chủng cúm mới.

        Cúm A(H5N1) là phân nhóm cúm gia cầm có khả năng xâm nhiễm và tự biến đổi (hoặc tái tổ hợp) rất cao, liên tục tạo ra biến đổi gen lây từ người sang người. Đặc biệt, virus A(H5N1) có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra dịch cúm mới ở người với tỷ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Nguyên nhân nhiễm cúm A/H5

        Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm bệnh cúm A/H5. Chủ yếu là do người bệnh nhiễm virus thông qua việc tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với động vật mắc bệnh:

– Sống gần những trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm gia tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus lây nhiễm dễ hơn.

– Các chợ trời, nơi bán trứng, gia cầm không đảm bảo kiểm dịch, điều kiện an toàn vệ sinh.

– Ăn trứng và thịt gia cầm chưa được chế biến chín.

Cúm A/H5 lây qua đường nào?

        Cúm A(H5N1) có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc với vật dụng chứa mầm bệnh, tiếp xúc/ăn gia cầm nhiễm virus cúm A(H5N1) hoặc ăn thịt gia cầm, chế phẩm từ gia cầm chưa chế biến chín kỹ. Virus cúm A(H5N1) phát tán ra môi trường bên ngoài thông qua dịch mũi, nước bọt, phân và bên trong tế bào niêm mạc ruột của một vài loài chim di cư.

        Bệnh cúm A/H5 thường lây truyền ở động vật nhưng cũng có thể truyền nhiễm, ảnh hưởng đến con người. Thế nhưng, không giống như những loại bệnh cúm khác ở người, cúm A(H5N1) ít lây truyền từ người sang người. Con người bị nhiễm virus cúm A/H5 chủ yếu thông qua việc tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với động vật mắc bệnh.

        Nguy cơ nhiễm virus A(H5N1) cao hơn khi một người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc những bề mặt bị ô nhiễm nước bọt, lông, phân gia cầm. Hiếm khi dịch cúm gia cầm lây truyền từ người sang người. Nguy cơ này chỉ có thể xảy ra trong những trường hợp tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh, ví dụ như mẹ chăm sóc trẻ nhiễm bệnh và bị lây. Sau khi bị nhiễm virus A(H5N1), người bệnh đào thải virus trong khoảng 1 – 2 ngày trước khi bệnh khởi phát và khoảng 3 – 5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, có thể kéo dài hơn.

Đối tượng dễ bị cúm A/H5

        Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn:

– Trẻ em < 5 tuổi, trong đó trẻ em < 2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất

– Người lớn > 65 tuổi

– Những người có bệnh mãn tính: Tiểu đường, tim phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch

– Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ

– Bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh, động kinh,…

– Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Triệu chứng nhận biết cúm A/H5 ở người

        Virus cúm A(H5N1) khi tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ sau đó nhanh chóng lan ra khắp cơ thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch. Người bệnh cúm A/H5 thường có các triệu chứng tương tự với khi nhiễm cúm thông thường và kèm theo một vài dấu hiệu nguy hiểm hơn. Những triệu chứng nhận biết cúm A/H5 ở người thường bắt đầu trong khoảng 2 – 5 ngày kể từ lúc bị virus cúm A(H5N1) xâm nhập, gồm có:

– Sốt cao trên 38℃ (diễn ra đột ngột).

Đau đầu, rét run.

– Tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, bị đau ngực.

– Ho, đau họng, thường ho có đờm, ho khan.

– Mệt mỏi rã rời, đau nhức cơ.

– Các triệu chứng cúm A/H5 diễn ra nặng hơn chỉ sau nửa ngày. Lúc này, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp với các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, tím tái da, thậm chí cảm thấy đau toàn thân, mê man.

Điều trị cúm A

        Đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải cấp cứu kịp thời.

Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị cúm A như sau:

Điều trị tại nhà

– Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.

– Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

– Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh.

– Tắm nước ấm, bận quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể.

– Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

– Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.

Điều trị tại cơ sở y tế

– Những trường hợp tiến triển nặng, người nhà cần đưa người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời cấp cứu và điều trị để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.

– Thuốc được chỉ định để điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn là Tamiflu. Nếu thuốc được dùng trong 48 giờ, thời gian điều trị sẽ rút ngắn còn 1-3 ngày. Các trường hợp biến chứng nặng sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị cùng các loại thuốc kháng sinh khác.

– Lưu ý thuốc Tamiflu không phải là thuốc đặc trị chữa cúm A mà chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị, do đó hiệu quả tối đa nhất khi sử dụng trong vòng 24 giờ.

Phòng chống cúm A/H5 lây sang người tại cộng đồng

        Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5 lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm/chết chưa rõ nguyên nhân.

– Không buôn bán, dùng trứng, thịt và sản phẩm gia cầm chưa rõ nguồn gốc.

– Không ăn tiết canh, trứng, thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ lưỡng.

– Khi phát hiện có gia cầm bị ốm/chết bất thường phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

– Tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.

– Nếu xuất hiện những triệu chứng cúm có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị.

Nguồn tin: PK Nhiệt đới – BVĐHYTB

Biên soạn: Phòng CTXH

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *