CÁCH PHÒNG TRÁNH LÂY LAN CỦA BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

     Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm do nhiễm trùng hoặc dị ứng, xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ Hè đến cuối Thu.

     Đau mắt đỏ do virus

     Đau mắt đỏ chủ yếu do virus Adeno, Entero, ít phổ biến hơn là do virus Herpes simplex hoặc virus Zoster. Đây là loại viêm kết mạc phổ biến nhất. Bệnh thường gây bỏng rát, đỏ mắt với chảy nước mắt.

     Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do virus đều nhẹ. Nhiễm trùng thường sẽ hết sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể mất từ 2 đến 3 tuần hoặc hơn để khỏi.

     Đau mắt đỏ do vi khuẩn

     Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường do vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria), liên cầu (Streptococcus Pyogene), phế cầu, hiếm gặp do não cầu (Neisseria Menigitidis),…

     Người bệnh thường có các triệu chứng như đau mắt, đỏ mắt với nhiều mủ dính trong mắt, màu vàng xanh, kéo dài cả ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra ít hoặc không tiết dịch.

     Viêm kết mạc dị ứng

     Viêm kết mạc dị ứng thường là do phản ứng dị ứng với phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá, clo khử khuẩn hồ bơi, khói xe… thường có các triệu chứng như: Rất ngứa, đỏ và chảy nước mắt, mí mắt có thể bị sưng húp. Bệnh phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh dị ứng khác

     Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

  • Để phòng tránh lây lan, bệnh nhân đau mắt đỏ cần: Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
  • Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
  • Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.
  • Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn – uống, chậu – khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
  • Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…
  • Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
  • Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.
  • Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Nguồn tin: Báo sức khỏe & đời sống

Biên soạn: Phòng CTXH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *